GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CHỮ KÝ NHÁY/KÝ TẮT
Hiện nay, việc ký nháy (hay còn gọi là ký tắt) trên các văn bản khi ban hành không chỉ được cơ quan Nhà nước áp dụng mà tại nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng chữ ký nháy.
Đã bao giờ bạn thắc mắc giá trị pháp lý của chữ ký nháy khác gì so với chữ ký thông thường chưa? Nếu có, hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.
Ký nháy được nhắc đến tại Điều 9 Thông tư 04/2013/TT-BNV như sau:
Điều 9. Kiểm tra văn bản trước khi ký ban hành
1. Người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về độ chính xác của nội dung văn bản, ký nháy/tắt vào cuối nội dung văn bản (sau dấu ./.) trước khi trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ký ban hành; đề xuất mức độ khẩn; đối chiếu quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước xác định việc đóng dấu mật, đối tượng nhận văn bản, trình người ký văn bản quyết định.
2. Chánh Văn phòng giúp người đứng đầu cơ quan tổ chức kiểm tra lần cuối và chịu trách nhiệm về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành văn bản của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và phải ký nháy/tắt vào vị trí cuối cùng ở “Nơi nhận”.
Theo quy định này, người ký nháy chính là người có trách nhiệm kiểm tra, rà soát văn bản trước khi gửi cho lãnh đạo khi ban hành một văn bản nào đó. Riêng với các hợp đồng chữ ký nháy có tác dụng xác nhận (ví dụ trong trường hợp văn bản gồm nhiều trang). Như vậy, có thể hiểu chữ ký nháy là chữ ký của người có trách nhiệm, nhằm xác định văn bản trước khi ban hành đã được rà soát đúng thẩm quyền, đúng nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Các loại chữ ký nháy thường thấy gồm:
– Loại thứ nhất: Chữ ký nháy nằm phía dưới từng trang văn bản
Chữ ký nháy này xác nhận tính liền mạch của văn bản, người ký nháy ký tại tất cả các văn bản do mình soạn thảo hoặc do mình được kiểm tra, rà soát nội dung. Chữ ký nháy dưới từng trang có công dụng tương tự như việc đóng dấu giáp lai. Việc ký nháy vào từng trang của văn bản đối với những có nhiều trang thể hiện tính liền mạch của văn bản. Người soạn thảo hoặc người rà soát có thể tránh việc bị đối tượng xấu đánh tráo, thêm hoặc bớt một số nội dung trong các trang của văn bản.
– Loại thứ hai: Chữ ký nháy tại dòng cuối cùng của văn bản
Chữ ký nháy nằm cuối cùng nội dung của văn bản do người soạn thảo văn bản ký nháy. Người soạn thảo văn bản phải chịu trách nhiệm với nội dung soạn thảo. Khi người có thẩm quyền ký chính thức tại văn bản, dựa vào chữ ký nháy của người soạn thảo văn bản có thể nhận biết được ai là người đã soạn thảo văn bản đó, trên cơ sở đó có thể quy trách nhiệm trong trường hợp có sai sót xảy ra.
– Loại thứ ba: Chữ ký nháy tại phần chức danh người có thẩm quyền hoặc tại nơi nhận
Chữ ký nháy ở phần chức danh người có thẩm quyền là chữ ký của người có trách nhiệm kiểm tra văn bản, soát lỗi chính tả hoặc kiểm tra lại nội dung trước khi trình lên người có thẩm quyền ký chính thức.
Về phần đối tượng của Thông tư 04/2013/TT-BNV thì đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 1 của văn bản bao gồm:
“Thông tư này hướng dẫn xây dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ; được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước và đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức)”.
Do vậy, tất cả các văn bản do cơ quan nhà nước ban hành thường đều có ký nháy.
Nguồn hình ảnh: Baker.vn
Nguồn bài viết: Cộng đồng Dân luật – Thư viện Pháp luật