Tin Tức & Sự Kiện

QUY ĐỊNH MỚI NHẤT VỀ KỶ LUẬT ĐẢNG VIÊN SINH CON THỨ 3: ĐẢNG VIÊN SINH CON THỨ 3 CÓ THẬT SỰ KHÔNG CÒN BỊ KỶ LUẬT?

Trước đây, quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5 được hướng dẫn tại Quy định 102-QĐ/TW năm 2017. Tuy nhiên, theo Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, hành vi sinh con thứ ba, sinh con thứ tư, sinh con thứ năm trở lên đã không còn được ghi cụ thể như vậy mà đều được thay bằng cụm từ “Vi phạm chính sách dân số”.

Có thể thấy, cụm từ vi phạm chính sách dân số đã bao quát hơn rất nhiều, không chỉ gồm việc sinh con thứ ba, thứ tư, thứ năm. Do đó, chính việc thay thế cụm từ này đã làm nhiều người hiểu lầm rằng, Đảng viên sinh con thứ ba, thứ tư, thứ năm không còn bị kỷ luật.

Tuy nhiên, theo Điều 1 Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2008 quy định, mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định thời gian, khoảng cách sinh con và sinh một hoặc hai con theo thoả thuận của cặp vợ chồng.

Đồng thời, tại Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 về chính sách dân số trong tình hình mới, có nêu quan điểm:

“Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.”

Như vậy, theo Nghị quyết 21-NQ/TW thì đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, nên việc đảng viên sinh con thứ 3, 4, 5 vẫn có thể xem là vi phạm chính sách dân số và bị kỷ luật theo Quy định 69-QĐ/TW.

Dù vậy, không phải trường hợp nào sinh con thứ 3 cũng sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng. Có một số trường hợp nêu tại Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW là ngoại lệ:

Trường hợp được xem là không vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình:

– Sinh lần đầu mà sinh 3 con trở lên;

– Đã có một con đẻ, sinh lần hai sinh đôi trở lên;

– Sinh lần thứ 3 trở lên nhưng tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

– Một hoặc cả hai vợ chồng thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân;

– Nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không di truyền, đã có xác nhận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Trung ương;

– Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ) mà sinh một hoặc hai con; sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Trường hợp được xem là sinh con thứ 3 do mang thai ngoài ý muốn:

Nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ thì dù sinh con thứ 3 ngoài ý muốn cũng không bị xử lý kỷ luật. Trong trường hợp này phải có xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên.

Đồng thời, tại Quy định 05-QĐ/TW mới được Bộ Chính trị ban hành năm 2018 đã bổ sung thêm một vài trường hợp không được coi là vi phạm quy định về dân số như:

– Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh;

– Sinh con thứ 3 trở lên trước ngày 19/01/1989;

Xem chi tiết Quy định 69-QĐ/TW tại: QD-69-TW_compressed.pdf